Từ một trường kỹ thuật - công nghệ với nhiều khó khăn vào năm 2004, đến nay Trường cao đẳng nghề LILAMA 2 (thuộc Bộ Xây dựng, đóng trên địa bàn huyện Long Thành) đã vươn lên trở thành một trong những cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên của Việt Nam.
Gắn bó và lãnh đạo trường đi suốt chặng đường hơn 10 năm phát triển, Nhà giáo ưu tú, TS. Lê Văn Hiền chia sẻ điều mà ông tâm đắc nhất là tất cả sinh viên của LILAMA 2 ra trường đều là có việc làm theo đúng chuyên môn. Sinh viên có thể đáp ứng các tiêu chí tuyển dụng khắt khe và tự tin bắt tay ngay vào công việc của doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, châu Âu; hay xuất khẩu lao động ở những thị trường khó tính, như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Lấy áp lực làm động lực phát triển
* Trong bối cảnh một số trường dạy nghề trong cả nước đào tạo kém hiệu quả, vắng người học; người học ra trường phải làm trái ngành hoặc thất nghiệp, thì mô hình đào tạo của nhà trường được xem là điểm sáng. Ông cho biết vì sao LILAMA 2 làm được điều này?
- Khi mới nhận nhiệm vụ hiệu trưởng vào năm 2004, tôi đã nghiên cứu nhiều mô hình đào tạo của Nhật, Anh, Úc, Mỹ, từ đó chúng tôi quyết định tham gia vào hệ thống đào tạo quốc tế và được Hội đồng nghề Vương quốc Anh chấp nhận là thành viên vào năm 2005. Đến năm 2008, trường đã trở thành thành viên của Hiệp hội Hàn Hoa Kỳ. Năm 2010, qua khảo sát, đoàn công tác của Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Cộng hòa liên bang Đức (BMZ) và Cơ quan phát triển của Chính phủ Pháp (AFD) nhận thấy trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nhưng nhà trường vẫn tổ chức đào tạo đảm bảo chất lượng, nên họ đã đồng ý hỗ trợ vốn ODA để đầu tư xây dựng nhà trường thành trung tâm đào tạo chất lượng cao quốc tế.
Đầu năm 2015, trường được Chính phủ đồng ý chủ trương cho đào tạo thí điểm hệ kỹ sư thực hành theo tiêu chuẩn level 6 khung 8 bậc của UNESCO-ISCED 2011. Đến thời điểm này, LILAMA 2 là một trong những trường cao đẳng đầu tiên ở Việt Nam đào tạo nghề theo tiêu chuẩn quốc tế. Có thể nói, sự hỗ trợ về chương trình đào tạo cũng như yêu cầu đảm bảo chất lượng để triển khai đào tạo của các tổ chức quốc tế đã tạo áp lực, đồng thời đó là cơ hội tốt nhất để nhà trường phát triển như ngày hôm nay.
* Ông có thể nói rõ hơn về quan điểm “Chất lượng đào tạo là mục tiêu hàng đầu” của nhà trường?
- Để đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, chương trình và giáo trình đào tạo phải được xây dựng theo khung quốc tế, như: UNESCO - ISCED 2011, IHK của Đức, City & Guilds (Anh); AWS (Hoa Kỳ)... và các ý kiến đóng góp từ khối doanh nghiệp.
Để chuyển hóa chương trình học đó vào từng sinh viên, nhà trường phải đầu tư đồng bộ với cơ sở vật chất, thiết bị phù hợp. Theo tôi, đầu tư trang thiết bị hiện đại là cần thiết, nhưng quan trọng hơn thiết bị đó phải gắn với chương trình học và phù hợp với trình độ công nghệ doanh nghiệp đang sản xuất, thì chất lượng đào tạo mới gắn được với yêu cầu thực tế.
Trụ cột tiếp theo là đội ngũ giảng viên, cần phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm thực tế. Muốn học và hành tốt, tôi cho rằng không thể giảng dạy theo phương pháp truyền thống mà phải đổi mới phương pháp giảng dạy “Lấy học viên làm trung tâm”. Với 3 trụ cột cứng là: giáo trình, thiết bị và giảng viên như nêu trên, nhà trường đã và đang xây dựng, hoàn thiện để thực hiện triết lý giáo dục chất lượng cao của các nhà trường.
* Nếu có trụ cột “cứng”, chắc hẳn có trụ cột “mềm”, thưa ông?
- Thực tế chứng minh rằng đào tạo nghề công nghiệp thì người học phải biết rõ các tiêu chuẩn công nghiệp. LILAMA 2 đã từng bước xây dựng một môi trường công nghiệp văn minh với các tiêu chí khắt khe ngay tại nhà trường để sinh viên khi ra trường, trở thành công nhân lành nghề, kỹ thuật viên, kỹ sư thực hành có tác phong công nghiệp, lao động an toàn cao, văn minh, lịch sự và có ý thức bảo vệ môi trường. Ngay tại xưởng học, sinh viên được tập thói quen học xong là dọn dẹp dụng cụ ngăn nắp, không có trường hợp hút thuốc lá, nhai kẹo cao su bừa bãi. Học sinh, sinh viên khi bước vào xưởng thực hành có hệ thống camera giám sát đúng như môi trường làm việc tại doanh nghiệp.
Ngoài ra nhà trường còn xây dựng trụ cột về hệ thống đảm bảo chất lượng quốc tế do các đơn vị quốc tế mà trường hợp tác đảm nhận. Tất cả các trụ cột trên phải được định hướng và hoạch định bởi người lãnh đạo. Lãnh đạo đề ra tầm nhìn, xác định mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, nhận rõ cơ hội để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thấy được rủi ro để có chiến lược phát triển bền vững. Đó chính là “trụ cột mềm” của chúng tôi.
* Từ đâu mà ông chú trọng xây dựng kỹ năng mềm và xem đó là trụ cột quan trọng trong chương trình đào tạo của nhà trường?
- Xuất phát từ khoảng thời gian 20 năm công tác từ thực tiễn, đảm nhiệm từ chức vụ Phó tổng giám đốc Công ty lắp máy 45-1 là công ty hàng đầu của ngành lắp máy Việt Nam, từng kiêm nhiệm giám đốc nhiều dự án lớn: đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn và Trạm xử lý khí Dinh Cố, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 3, Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.2, Nhà máy đạm Phú Mỹ..., tôi xác định rằng: lực lượng lao động kỹ thuật có vai trò rất quan trọng. Họ đóng góp vào việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, có kỹ năng nên nâng cao năng suất lao động tạo lợi thế cạnh tranh so với nhân lực các nước và tham gia kiểm soát chất lượng sản phẩm để hạn chế rủi ro về kém chất lượng.
Lực lượng lao động kỹ thuật ngoài giỏi nghề, thạo các kỹ năng, còn cần phải có tác phong công nghiệp. Không thể đào tạo lao động kỹ thuật trong thời kỳ hội nhập mà thiếu kỹ năng ngoại ngữ, hoặc ngồi phòng máy lạnh đơn thuần được…
Đón đầu nguồn nhân lực chất lượng trong hội nhập
* Dư luận xã hội hiện nói nhiều về tình trạng “thừa thầy - thiếu thợ” ở Việt Nam. Là người làm công tác giáo dục, nhất là quản lý đào tạo “người thợ”, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Để tránh tình trạng này, các nước tiên tiến đã phân luồng học sinh ngay từ cấp THCS. Vì sao lao động kỹ thuật ở một số nước được trả lương cao, xã hội trọng dụng, tạo môi trường rất tốt cho đào tạo nghề? Thực tế ở các nước đó, doanh nghiệp có trách nhiệm cao với công tác đào tạo nghề. Trường hợp cụ thể là Công ty TNHH Bosch Việt Nam (vốn của Cộng hòa liên bang Đức, đóng chân trên địa bàn huyện Long Thành), mỗi tháng chi hỗ trợ sinh hoạt phí 2 triệu đồng/sinh viên đang học theo chương trình đào tạo kép của Đức giữa Trường cao đẳng nghề LILAMA 2 với Bosch Việt Nam.
* Theo ông, để cán cân thầy - thợ bớt khập khiễng như hiện nay, cần có những giải pháp gì?
- Theo nghiên cứu của tôi về kinh nghiệm của các nước cũng như thực tế tại nhà trường, chúng ta nên thực hiện tất cả và đồng bộ các giải pháp như sau: Thứ nhất, Việt Nam cần có chính sách vĩ mô trong phân luồng học sinh. Không thể nói đơn thuần là giảm áp lực thi cử cho học sinh mà cần phải có công cụ đánh giá khắt khe, chính xác năng lực của người học để phân luồng hợp lý. Thứ hai, các cơ sở giáo dục đại học cần xác định chất lượng đào tạo là mục tiêu chứ không phải tăng quy mô, số lượng đào tạo. Thứ ba, hệ thống đào tạo nghề ngoài việc phải nâng chất lượng đào tạo, còn cần hợp tác sâu với doanh nghiệp, cung cấp cho sinh viên thành thạo các kỹ năng. Và cuối cùng là Nhà nước cần sớm thực hiện tốt cơ chế đặt hàng đào tạo, thay phương thức chi cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo dựa trên cấp kinh phí hoạt động thường xuyên, có như thế vừa tăng hiệu quả ngân sách chi cho đào tạo, vừa tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả các cơ sở đào tạo công lập, cũng như ngoài công lập.
* Trở lại với thị trường lao động Đồng Nai - địa phương có nền kinh tế phát triển năng động, nhà trường đã có chiến lược phát triển gì để đón đầu hội nhập?
- Việt Nam có lợi thế dân số vàng, và nhất thiết phải phát huy lợi thế đó thành nhân lực vàng trong thời điểm hội nhập. Làm công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhà trường đã có chiến lược đào tạo nhân lực phục vụ cho những dự án quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có Đồng Nai, như: tuyến metro của TP.Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đẩy mạnh các ngành công nghiệp cao, công nghiệp hỗ trợ - những ngành mà Đồng Nai chủ trương thu hút đầu tư mạnh thời gian hiện nay.
* Xin cảm ơn ông!
Theo báo đồng nai