Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Mọi người chờ mong tin tức từ thuyền viên mất tích trên biển nhật bản

Nhận tin con trai Thiều Đình Thưởng (28 tuổi) là một trong ba người Việt Nam mất tích trên tàu cá ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Hokkaido, bà Hương đứng ngồi không yên, mắt luôn dõi thông tin trên tivi rồi cầu nguyện.
Ba thuyền viên Việt Nam mất tích ngoài khơi biển Nhật Bản
Trưa 12/10, trong căn nhà cấp bốn ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bà Hồ Thị Hương (52 tuổi, mẹ thuyền viên Thiều Đình Thưởng) ngồi lặng bên góc giường. Tối hôm trước xem tivi, thấy thông báo một số người Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Đài Loan rồi mất tích trên biển Nhật Bản, linh tính mách bảo, bà chợt nghĩ tới con trai thứ hai đang đi xuất khẩu lao động gặp chuyện chẳng lành.

"Tôi thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Sáng nay nhà môi giới lao động ở thị xã Kỳ Anh tới thông báo Thưởng cùng hai người nữa mất tích ở ngoài biển, hiện chưa rõ tình tình. Chân tay tôi bủn rủn, gục bên vai chồng rồi khóc", bà Hương kể.
Theo bà Hương, 4 tháng trước gia đình đã vay 21 triệu đồng để anh Thưởng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan với mức lương khoảng 8,5 triệu đồng mỗi tháng. Theo quy định sau 4 tháng, chủ lao động sẽ thanh toán tiền một lần, nhưng nay khi gần đến thời hạn nhận tiền thì anh Thưởng gặp nạn.
"Đã 4 ngày rồi, tôi đang tắt dần hy vọng. Có một số trường hợp trước đây nhảy tàu, may mắn sống sót. Hy vọng con trai tôi có thể nhảy được ra xa, bơi vào bờ", ông Thiều Hữu Kỳ (56 tuổi, bố Thưởng) nói.
Là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em, anh Thưởng học hết cấp một thì bôn ba đi làm đủ nghề kiếm sống. Trước đó nam thanh niên từng đi xuất khẩu lao động, tích cóp được ít vốn giúp bố mẹ và trả nợ. Năm nay, anh tiếp tục đăng ký đi với hy vọng có thể kiếm tiền về xây nhà, lập gia đình.
Cách nhà ông Kỳ khoảng một km là nhà thuyền viên Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, trú xã Kỳ Khang). Ngà và Thưởng là đôi bạn thân, đi xuất khẩu lao động cùng thời điểm và đều mất tích vào đêm 8/10. Ngà mới lập gia đình, có con gái một tuổi. Do chưa có nhà ở nên anh sống cùng bố mẹ, nuôi giấc mơ xuất khẩu lao động để lấy tiền ra riêng.
Bà Phạm Thị Hương (51 tuổi, mẹ Ngà) buồn rầu cho biết, thời gian qua gia đình liên tục nhận tin buồn. Một năm trước, chồng bà là ông Nguyễn Đình Triển (56 tuổi) đi xuất khẩu lao động ở Angola theo dạng tự do, tới nay chủ lao động không trả tiền, vẫn chưa thể về nước. Ngà nối bước bố ra nước ngoài làm ăn, nhưng rồi tiền mất, tính mạng thì đang lành ít dữ nhiều.
"Khi đi gia đình vay 30 triệu đồng tiền tín dụng. Hồi mới sang, Ngà bảo công việc vất vả, nhiều khi thức trắng đêm, những bữa ăn đều vội vàng. Tôi không hiểu rõ tính chất công việc của con, nhưng nghe nói thì lòng quặn thắt, nghĩ thương cho nó phải vất vả từ bé tới giờ", bà Hương nói.
Đứng dỗ dành con trai một tuổi, chị Nguyễn Thị Tâm (25 tuổi, vợ Ngà) kể, mấy đêm nay không ngủ được, lỡ chồng có mệnh hệ gì thì ai sẽ chăm sóc gia đình. "Khi đi, cả nhà đã dặn dò, khuyên anh nên chịu khó làm ăn, đừng bao giờ nhảy tàu, tiền mất tật mang, nếu khó khăn quá thì xin về. Giờ không biết nói gì hơn ngoài việc mong anh tai qua nạn khỏi", chị tâm sự.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Tương, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Anh cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 8.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, trong đó hơn 4.000 lao động là đi theo dạng không giấy phép.
"Trước đó có nhiều trường hợp sau khi sang nước bạn rồi bỏ trốn, đơn vị đã phối hợp với công ty môi giới, làm công văn gửi về cho gia đình, kết hợp xử phạt những người vi phạm", ông Tương nói và cho hay cái khó trong việc quản lý là có một số người khi đi xuất khẩu lao động không qua làm việc với phòng để hướng dẫn. Họ trực tiếp làm việc với một số công ty ngoài miền Bắc rồi tự đi. Do vậy khi xảy ra trục trặc gì, rất khó tiếp cận thông tin để xử lý.
Trước đó theo TTXVN, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết vào 23h30 (21h30 giờ Hà Nội) ngày 8/10, ba thuyền viên Việt Nam là Thiều Đình Thưởng (28 tuổi), Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, cùng trú xã Kỳ Sang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Lê Văn Thực (22 tuổi trú xã Thăng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), đang làm việc trên tàu cá Đài Loan đã nhảy xuống biển Nhật Bản, ở vị trí cách cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido khoảng 12 km.
Tàu Tomakaze của JCG tìm kiếm và phát hiện một phao cứu sinh có một túi nylon chứa tư trang gồm một áo khoác, một quần bò, một quần đùi, một khẩu trang gần khu vực thuyền viên nhảy xuống.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét