Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Vụ công ty Việt Nhật Vinh Ron bị tố lừa hàng nghìn USD giờ ra sao

Tiếp tục cập nhật thông tin từ vụ công ty Vinh Ron bị tố lừa hàng nghìn USD của người lao động: Tuy sai phạm nhưng vẫn thách thức pháp luật. Trên báo Lao động có bài viết làm rõ hơn về vấn đề này. Cùng theo dõi nhé.

Cty TNHH Tư vấn quản lý phát triển Việt Nhật Vinh Ron (Cty Vinh Ron, địa chỉ số 28/1/21 Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM) không được cấp phép xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn tổ chức tuyển dụng, thu hàng chục ngàn USD, thu bằng gốc của người lao động (NLĐ). Cho rằng bị lừa, hơn 2 tháng qua, NLĐ kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay, dù sai phạm rất rõ, phía Cty vẫn ung dung, thách thức pháp luật, trong khi NLĐ lâm cảnh khốn đốn!
“Bố em quá lo lắng nên đã không qua khỏi”
Như Báo Lao Động nhiều lần thông tin, dù không được cấp phép, Cty Vinh Ron vẫn tổ chức tuyển dụng, đào tạo thu tiền 1.500-3.000 USD/người của gần 100 NLĐ, thu bằng gốc, giấy tờ tùy thân gốc của NLĐ và hứa hẹn đưa sang Nhật Bản làm việc. Quá thời hạn cam kết nhưng không đi được sang Nhật, NLĐ nghi ngờ bị lừa nên đề nghị Cty trả lại tiền, hồ sơ nhưng Cty không thực hiện. Bức xúc, NLĐ làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, Công an Q.Tân Bình, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83), sau hơn 2 tháng, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Sáng 10.10, sau 4 lần hẹn gặp trả tiền nhưng không được, NLĐ tập trung về trụ sở Cty Vinh Ron để nhận tiền, giấy tờ gốc, thế nhưng một lần nữa việc thỏa thuận lại bất thành.
Chị Phạm Thị Ngọc Em - người được Cty hứa hẹn đưa sang Nhật làm việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn - cho biết, chị nộp cho Cty tổng cộng 2.500 USD và Cty thu bằng tốt nghiệp THPT gốc, bằng trung cấp điều dưỡng gốc của chị. Hiện tại, không còn bằng cấp để xin việc, chị phải xin đi làm thời vụ bưng bê ở các nhà hàng tiệc cưới, cuộc sống rất khó khăn.
“Không ai tìm được việc làm hết vì giấy tờ tùy thân, bằng cấp không còn. Anh Nguyễn Thanh Hải còn nộp cả giấy khai sinh gốc cho Cty, anh Nguyễn Thanh Nhàn nộp cả bằng gốc đại học, cao đẳng, chứng chỉ nghề cho Cty. Số tiền chúng tôi nộp cho Cty là tiền gia đình phải cầm đất vay mượn. Ba của em Đỗ Thị Thùy vì quá lo lắng mà lâm bệnh, mới mất 1 tuần nay” - chị Nguyễn Thị Thanh nói.
Chị Thùy rưng rưng: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải vay nóng để có tiền cho em đi Nhật, giờ mọi chuyện vỡ lở, bố em quá lo lắng nên đã không qua khỏi”.
17 người có mặt sáng 10.10 là những người đứng đơn tố cáo Cty Vinh Ron với cơ quan chức năng. Những NLĐ này cho biết, những ngày gần đây, các học viên khác của Cty cũng gọi điện hỏi cách gửi đơn lên báo chí, cơ quan chức năng tố cáo Cty. Những LĐ này sẽ gửi đơn ra tới Hà Nội, Công an TPHCM để kêu cứu!
Những yêu cầu vô lối
Cho biết lý do khiến thỏa thuận trả tiền sáng 10.10 không thành, NLĐ cho biết, do Cty tiếp tục lùi thời hạn trả tiền đến ngày 30.11 và ngang ngược đặt ra những yêu cầu vô lối. Theo đó, Cty sẽ trừ 150 USD chi phí tư vấn và giới thiệu việc làm tại Nhật Bản, chi phí làm hồ sơ. Đặc biệt, NLĐ phải “Đính chính lại thông tin rằng bên A (Cty) không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bên B (NLĐ), bằng hình thức đăng bài viết trên mặt báo, trước ngày 30.11”.
Trước yêu cầu này của Cty, NLĐ bức xúc cho rằng: Việc Cty không có chức năng XKLĐ nhưng lập lờ tuyển dụng, thu tiền NLĐ là sai. Pháp luật quy định Cty không được thu bằng gốc, giấy tờ gốc của NLĐ mà Cty vẫn thu là sai, quá thời hạn thỏa thuận ban đầu nhưng Cty không chịu giải quyết cho NLĐ là Cty cũng sai…
“Vậy chúng tôi sẽ đính chính như thế nào? Chúng tôi đề nghị, ngày Cty trả lại tiền, bằng gốc cho chúng tôi, chúng tôi sẽ mời nhà báo, cơ quan chức năng tới nhưng phía Cty vẫn không chấp nhận” - chị Nguyễn Thị Thanh nói.
Ngày 10.10, Cty không hẹn ngày trả lại bằng cấp và chứng chỉ gốc cho NLĐ, phía Cty cho rằng, toàn bộ giấy tờ gốc của NLĐ đã được Cty chuyển sang Nhật, nếu bây giờ muốn lấy lại, Giám đốc Cty là bà Nguyễn Thị Đoan Phương phải sang Nhật để lấy, nhưng vì vướng các bài báo nói về Cty Vinh Ron nên bà Phương không xuất cảnh được. “Cty lùi thời hạn rồi đề nghị chúng tôi phải “đăng bài lên báo” nói Cty không lừa đảo để giám đốc qua Nhật và ở luôn bên đó, hoặc ở 1 vài năm thì chúng tôi đòi tiền ở đâu?” - chị Ngoãn nghi ngờ.
NLĐ cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị trực tiếp đến cơ quan Công an Q.Tân Bình, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).
Trong khi đó, nguồn tin của PV Báo Lao Động cho biết, làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Đoan Phương thừa nhận việc thu tiền, thu bằng gốc của NLĐ là sai và hứa sẽ khắc phục.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét