Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Công tác xuất khẩu lao động tỉnh thái bình cần hướng đi đúng

Tình hình xuất khẩu lao động tại tỉnh thái bình đã đạt được một vài kết quả khả quan, tuy nhiên lại chưa thực sự bền vững. Đề nghị mọi người cần phải nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ giao tiếp và ý thức kỷ luật trong môi trường làm việc để góp phần đưa công tác xuất khẩu lao động phát triển bền vững.
Những năm gần đây, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở tỉnh ta đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa thật sự bền vững.
Nâng cao kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật trong lao động là một yếu tố góp phần đưa công tác XKLĐ phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trong năm 2013 các cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các ngành, đoàn thể tích cực chỉ đạo, phối hợp lồng ghép chuyên đề giải quyết việc làm và XKLĐ với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trong năm, đã có trên 2.500 người được tuyển chọn, làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài làm việc, tăng 19% so với năm 2012, trong đó lao động nữ chiếm 43%, nâng tổng số lao động của tỉnh đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài lên trên 20.000 người.  Thị trường XKLĐ chủ yếu là Đài Loan (chiếm 68,7%), Nhật Bản (chiếm 18%), Malaysia (chiếm 5%), các nước khác Hàn Quốc, UAE, Macao… chiếm 8,3%.
Một số địa phương có phong trào tốt là huyện Vũ Thư 558 người, huyện Đông Hưng 272 người, huyện Kiến Xương 239 người. Nhìn chung, số lao động xuất khẩu đều có việc làm và thu nhập ổn định. Trong đó, mức thu nhập khoảng 10 - 14 triệu đồng/người/tháng chiếm 51%; 32% có thu nhập từ 15 - 17 triệu đồng/người/tháng; 17% có mức thu nhập trên 17 triệu đồng/người/tháng trở lên. Thị trường XKLĐ phát triển đã góp phần đưa số ngoại tệ gửi từ nước ngoài về qua hệ thống ngân hàng thương mại năm 2013 đạt gần 75 triệu USD, tương đương với 1.500 tỷ đồng Việt Nam. Số tiền ấy đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế giảm nghèo cho người lao động, hộ gia đình và địa phương.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, chất lượng lao động tham gia XKLĐ chưa cao, trình độ tay nghề, ngoại ngữ còn hạn chế; ý thức chấp hành kỷ luật của một bộ phận lao động còn yếu. Tình trạng lao động không thực hiện đúng hợp đồng, bỏ trốn còn xảy ra. Việc tổ chức giáo dục định hướng cho người lao động ở một số đơn vị còn mang tính hình thức.
Việc phối hợp cùng đối tác nước ngoài thực hiện hợp đồng, quản lý và theo dõi tình hình việc làm, thu nhập của người lao động thiếu kịp thời. Một số doanh nghiệp chưa được Cục quản lý lao động ngoài nước thẩm định thị trường như: thị trường Nga, Séc nhưng vẫn tổ chức cung ứng và tuyển lao động, nên gây ra một số thiệt hại đến lợi ích kinh tế cho người lao động và làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị xã hội, giảm lòng tin của người dân đến chính sách XKLĐ.
Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Nghiệp đoàn doanh nghiệp Nhật Bản bàn về vấn đề XKLĐ sang thị trường Nhật Bản. Đây là tín hiệu vui và mở ra một hướng mới cho công tác XKLĐ ở tỉnh ta, là yếu tố góp phần thực hiện được mục tiêu đưa 2.500 lao động trở lên đi XKLĐ trong năm 2014, trong đó lao động có tay nghề chiếm 40 - 50%. Vì vậy, để công tác XKLĐ trong thời gian tới đạt kết quả cao và bền vững rất cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương.

Trước mắt cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về công tác XKLĐ. Củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo XKLĐ các cấp và nâng cao trách nhiệm của từng ngành thành viên. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt công tác phối hợp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở và đối với lao động ở nước ngoài. Quan tâm lựa chọn đối tượng thuộc diện được hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước. Thực hiện tuyển chọn và đào tạo kỹ lưỡng cho lực lượng lao động cả về kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ và ý thức kỷ luật trong lao động và sinh hoạt tập thể.
Song song với khuyến khích, tuyên truyền người lao động có những lựa chọn hợp lý, phù hợp với năng lực của mình, ngành chức năng và doanh nghiệp cũng cần chú trọng nâng cao ý thức cho người lao động về quyền lợi, trách nhiệm của mình cũng như trách nhiệm đối với toàn xã hội để thị trường XKLĐ ngày càng phát triển, góp phần giảm nghèo bền vững và ổn định xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét