Chủ Nhật, 18 tháng 10, 2015

Thực tập sinh tại Nhật Bản được triển khai thí điểm

Chiều 20/8, Sở LĐ-TB-XH tỉnh và Phòng LĐ-TB-XH huyện Tuy An tổ chức hội nghị triển khai thí điểm chương trình đi thực tập sinh tại Nhật Bản cho hơn 100 người trên địa bàn huyện.
Châu Hưng là doanh nghiệp hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tư vấn xuất khẩu sang nhật bản.

Đại diện Công ty CP cung ứng nhân lực Việt - Nhật đã phổ biến một số chủ trương, chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước về xuất khẩu lao động; tiêu chuẩn, ngành nghề; quyền và nghĩa vụ đối với người lao động có nhu cầu khi tham gia chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuyển chọn, đào tạo lao động đi thực tập sinh tại Nhật Bản đợt II/2015.
Theo Sở LĐ-TB-XH tỉnh, tiêu chuẩn lao động được tuyển chọn đủ 18 tuổi trở lên, đáp ứng yêu cầu về sức khỏe; trình độ học vấn THPT. Ngành nghề: Tu nghiệp và thực tập tại các nhà máy dệt may, cơ khí, nhựa, chế biến thủy sản, thợ mộc, xây dựng, nông nghiệp... trong 3 năm; thu nhập bình quân khoảng 80.000 yên đến 100.000 yên/tháng (tương đương khoảng 22 triệu đồng đến 28 triệu đồng/tháng).
Theo HOÀNG ANH – báo Phú Yên

Thứ Sáu, 16 tháng 10, 2015

Khánh Hòa hỗ trợ 100 lao động đi xuất khẩu mỗi năm ở nước ngoài

Theo thông tin từ Trang thông tin điện tử Báo Khánh Hòa cho biết thì tỉnh Khánh Hòa mỗi năm sẽ hỗ trợ 100 lao động đi xuất khẩu làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020.
Ngày 15-10, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị triển khai Đề án hỗ trợ người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020.
Theo đề án, trung bình mỗi năm, tỉnh sẽ hỗ trợ cho 100 lao động đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức. Đối tượng được hỗ trợ 100% chi phí là NLĐ thuộc hộ nghèo, cận nghèo, bị thu hồi đất nông nghiệp, lao động là thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Các đối tượng khác được hỗ trợ vay tối đa 80% chi phí xuất khẩu lao động từ nguồn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh. Về điều kiện vay vốn: NLĐ phải có hộ khẩu thường trú ở Khánh Hòa từ đủ 5 năm trở lên và được cấp có thẩm quyền xác nhận...

Quyết tâm thực hiện xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các DTTS tỉnh Ninh Thuận

Huyện Thuận Bắc, Ninh Thuận, có dân số gần 41.000 người, trong đó có trên 70% là đồng bào dân tộc thiểu số (người Raglai chiếm 63%), đời sống kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong 6 xã (32 thôn) toàn huyện, có 3 xã Phước Kháng, Phước Chiến, Bắc Sơn và 2 thôn Ấn Đạt, Suối Đá (Lợi Hải) thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Do đặc điểm trên, để thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 21-10-2011 của Tỉnh ủy về “Công tác giảm nghèo đến năm 2015”, Huyện ủy Thuận Bắc đã cụ thể hóa bằng Nghị quyết (NQ) số 07-NQ/HU về “Đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015”.
Trong quá trình triển khai thực hiện NQ trên, với quan điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là sự nghiệp của toàn dân, kết quả thành công phụ thuộc trước hết vào sự nỗ lực vươn lên của người nghèo, Huyện ủy Thuận Bắc đã ban hành nhiều NQ liên quan, trong đó có các NQ về phát triển kinh tế-xã hội thôn Xóm Bằng (Bắc Sơn) và phát triển kinh tế-xã hội xã Phước Kháng.
Để đưa NQ vào cuộc sống, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm chỉ đạo. Đa số hộ nghèo đã có nhận thức tự vươn lên thoát nghèo, cố gắng tự học nghề, tự tìm tòi thu thập kinh nghiệm, tích cực sản xuất, tự tạo việc làm, cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt.
Bên cạnh đó, huyện đã quan tâm tổ chức 46 lớp đào tạo nghề (chủ yếu là các nghề chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp, đan lát, thêu tay,...) cho 1.560 học viên, nâng tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo lên 30%; đồng thời tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm mới trong và ngoài tỉnh cho 4.018 lao động, xuất khẩu 42 lao động làm việc tại Malaysia và Nhật Bản.
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong các giải pháp thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, đáng chú ý hơn cả là việc tập trung thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn về nhà ở, đất ở, nước sinh hoạt, hỗ trợ sản xuất và đầu tư hạ tầng thiết yếu.
Về nhà ở, từ năm 2011 đến nay, Thuận Bắc đã hỗ trợ xây dựng 689 căn nhà, nâng tổng số nhà ở được hỗ trợ xây dựng lên 1.467 căn, góp phần giải quyết nhà ở cho người nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Để tạo điều kiện về đất sản xuất, UBND huyện đã tổ chức khai hoang 25ha đất cấp cho 160 hộ dân sản xuất, nâng tổng số hộ dân được cấp đất sản xuất lên 430 hộ, với diện tích trên 100ha. Đặc biệt các chương trình 134, 135 đã hỗ trợ 41,8ha đất sản xuất cho 230 hộ (17,5ha cho 70 hộ thuộc thôn Xóm Bằng 2, xã Bắc Sơn và 24,3ha cho 160 hộ thuộc 2 xã Lợi Hải, Phước Kháng) và hỗ trợ sản xuất 2,2 tỷ đồng; xây dựng công trình nước sinh hoạt, xây mới, sửa chữa nâng cấp đường giao thông, trường học và các trạm y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn... Qua đó đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi ngày càng được cải thiện, văn hóa xã hội có bước phát triển, chất lượng giáo dục tiếp tục được nâng lên.
Anh Nguyễn Ngọc Định, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Thuận Bắc, cho biết: Qua thực hiện tốt chính sách giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội đã tạo được lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước; nhất là đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo cả huyện từ 23,57% (năm 2011) xuống còn 15,72% trong năm nay, bình quân hằng năm giảm 2%.
Đặc biệt các xã miền núi có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%) đã giảm đáng kể, cụ thể xã Bắc Sơn giảm còn 22,99%, xã Phước Chiến giảm còn 33,37% và xã Phước Kháng giảm còn 30,94%. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho gần 700 lao động (chỉ tiêu cả năm là 900 lao động). Tuy nhiên, dù có nhiều đổi mới, tiến bộ, nhưng nhìn chung đời sống Nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào vùng miền núi, kết quả giảm nghèo chưa bền vững, hộ nghèo phát sinh vẫn còn; chênh lệnh thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng miền còn lớn.
Trước thực tế trên, hướng đến mục tiêu hằng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2% và giải quyết việc làm cho 900 lao động theo NQ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Thuận Bắc tập trung thực hiện tốt các chính sách dân tộc, chương trình nông thôn mới, chương trình tam nông, chương trình 135 giai đoạn III và chương trình hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo theo Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trọng tâm là thực hiện tốt công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với giải quyết việc làm; đảm bảo 100% hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Theo Báo Ninh Thuận

Chưa tìm hiểu được lý do 3 thuyền viên mất tích trên biển Nhật Bản

Chiều 16/10, thông tin với các cơ quan thông tấn báo chí, ông Tống Hải Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết nếu không tìm được ba thuyền viên mất tích ở vùng biển Nhật Bản thì sẽ rất khó biết được nguyên nhân vụ việc.
Thông tin của các công ty cung ứng thuyền viên đều cho biết khả năng bơi của các thuyền viên Việt Nam là rất tốt. Trên tàu này có 21 thuyền viên Việt Nam, trong đó có những thành viên đã làm trên tàu này từ 2013, có những thuyền viên mới sang. Ba trong số các thuyền viên này đã mất tích vào ngày 8/10.
Ông Tống Hải Nam nhấn mạnh vụ 3 thuyền viên Việt Nam mất tích có thể do rủi ro nhưng "nếu nói về lý do vì mức thu nhập, điều kiện sống kém mà bỏ trốn thì chắc không phải, bởi nếu đối xử không tốt thì tất cả các thuyền viên đã bỏ trốn."
Lao động Việt Nam làm việc trên tàu cá nước ngoài đều là những người ở vùng biển, có kinh nghiệm đi biển. Ngoài việc đủ điều kiện về sức khỏe, tay nghề, các thuyền viên đều được doanh nghiệp cung ứng thông tin đầy đủ về pháp luật, mức lương, chế độ đãi ngộ. Vì vậy, hiện nay vẫn chưa xác định được rõ nguyên nhân mất tích của ba thuyền viên này.
Ông Tống Hải Nam cho biết thêm, có hai loại tàu cá gồm tàu cá biển gần (đi biển trong khoảng 2 tuần đến 1 tháng) và tàu cá xa bờ (thường đi biển 6-10 tháng đánh bắt ở vùng biển sâu, biển xa). Hàng năm, Việt Nam đưa người lao động đi làm thuyền viên tàu cá chiếm không nhiều trong tỷ trọng chung của xuất khẩu lao động.
Năm 2014, Việt Nam đã đưa khoảng 100.000 lao động đi làm thuyền viên nghề cá. Đối với thị trường Hàn Quốc đưa được khoảng hơn 1.200 lao động Việt Nam đi làm thuyền viên tàu cá biển gần. Đối với thuyền viên biển xa, chủ yếu Việt Nam đưa lao động đi làm việc cho các tàu cá của Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản với số lượng hàng năm 1.500-2.000 người.
Trong hai năm (2014-2015) Đài Loan đã dừng nhận lao động Việt Nam trong lĩnh vực thuyền viên tàu cá biển gần và lao động giúp việc gia đình. Sau hội nghị Bộ trưởng Lao động Việt Nam và Đài Loan tháng 4/2015, Đài Loan mới mở cửa trở lại, chính thức tiếp nhận trở lại lao động thuyền viên tàu cá gần bờ đối với lao động Việt Nam,.
Hiện nay, Việt Nam và Đài Loan đang bàn quy trình và thủ tục cấp phép cho các doanh nghiệp được cung ứng thuyền viên tàu cá biển gần cho Đài Loan. Như vậy, hiện nay, Việt Nam đưa lao động thuyền viên tàu cá đi làm việc tại ba thị trường chính gồm Hàn Quốc (cả thuyền viên tàu cá biển xa và thuyền viên tàu cá biển gần) Nhật Bản, Đài Loan (chủ yếu là thuyền viên tàu cá biển xa).
Ông Tống Hải Nam cho biết mức lương của lao động thuyền viên tàu cá gần bờ bằng với lao động làm trên bờ. Ví dụ như tại Hàn Quốc, mức lương của lao động trên bờ tính theo tiền won, quy đổi ra được khoảng 1.000 USD/tháng, lao động thuyền viên tàu cá gần bờ cũng có mức lương như vậy.
Mức lương đối với thuyền viên tàu cá xa bờ sẽ thấp hơn vì đi ra khơi không phải mất bất cứ chi phí nào nhưng bù lại, ngoài mức lương đó sẽ được thưởng nhiều.
Cách đây 5-7 năm, mức lương đối với thuyền viên tàu cá xa bờ chỉ dao động từ 180-210 USD/tháng đối với thuyền viên không có kinh nghiệm (lần đầu tiên đi theo các tàu cá nước ngoài).
Đối với các lao động có kinh nghiệm sẽ có mức lương cao hơn, khoảng 270-280 USD. Nhưng gần đây, do nhu cầu đối với thuyền viên tàu cá là tương đối cao nên mức lương đàm phán được tăng lên.
Hiện, lao động đi làm việc trên các tàu cá xa bờ đối với lao động không có kinh nghiệm ở cả ba thị trường trên xấp xỉ 450 USD. Đối với thuyền viên đã có kinh nghiệm, mức lương từ 900-1.000 USD/tháng.
Đối với chế độ tái hòa nhập của lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trở về, ông Tống Hải Nam thông tin hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể đối với việc tái hòa nhập đối với các lao động xuất khẩu lao động, trong đó có lao động thuyền viên tàu cá.
Tuy nhiên, hầu hết các thuyền viên tàu cá khi rời tàu về quê với đồng vốn tích lũy được để sắm tàu to hơn; cũng có những thuyền viên coi chuyện làm việc trên các tàu cá nước ngoài như một nghề truyền thống, nếu còn đủ sức khỏe, về quê hương một thời gian người lao động lại đăng ký đi làm việc tại các tàu nước ngoài…
Nguồn VietnamPlus

Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Mọi người chờ mong tin tức từ thuyền viên mất tích trên biển nhật bản

Nhận tin con trai Thiều Đình Thưởng (28 tuổi) là một trong ba người Việt Nam mất tích trên tàu cá ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Hokkaido, bà Hương đứng ngồi không yên, mắt luôn dõi thông tin trên tivi rồi cầu nguyện.
Ba thuyền viên Việt Nam mất tích ngoài khơi biển Nhật Bản
Trưa 12/10, trong căn nhà cấp bốn ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bà Hồ Thị Hương (52 tuổi, mẹ thuyền viên Thiều Đình Thưởng) ngồi lặng bên góc giường. Tối hôm trước xem tivi, thấy thông báo một số người Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Đài Loan rồi mất tích trên biển Nhật Bản, linh tính mách bảo, bà chợt nghĩ tới con trai thứ hai đang đi xuất khẩu lao động gặp chuyện chẳng lành.

"Tôi thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Sáng nay nhà môi giới lao động ở thị xã Kỳ Anh tới thông báo Thưởng cùng hai người nữa mất tích ở ngoài biển, hiện chưa rõ tình tình. Chân tay tôi bủn rủn, gục bên vai chồng rồi khóc", bà Hương kể.
Theo bà Hương, 4 tháng trước gia đình đã vay 21 triệu đồng để anh Thưởng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan với mức lương khoảng 8,5 triệu đồng mỗi tháng. Theo quy định sau 4 tháng, chủ lao động sẽ thanh toán tiền một lần, nhưng nay khi gần đến thời hạn nhận tiền thì anh Thưởng gặp nạn.
"Đã 4 ngày rồi, tôi đang tắt dần hy vọng. Có một số trường hợp trước đây nhảy tàu, may mắn sống sót. Hy vọng con trai tôi có thể nhảy được ra xa, bơi vào bờ", ông Thiều Hữu Kỳ (56 tuổi, bố Thưởng) nói.
Là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em, anh Thưởng học hết cấp một thì bôn ba đi làm đủ nghề kiếm sống. Trước đó nam thanh niên từng đi xuất khẩu lao động, tích cóp được ít vốn giúp bố mẹ và trả nợ. Năm nay, anh tiếp tục đăng ký đi với hy vọng có thể kiếm tiền về xây nhà, lập gia đình.
Cách nhà ông Kỳ khoảng một km là nhà thuyền viên Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, trú xã Kỳ Khang). Ngà và Thưởng là đôi bạn thân, đi xuất khẩu lao động cùng thời điểm và đều mất tích vào đêm 8/10. Ngà mới lập gia đình, có con gái một tuổi. Do chưa có nhà ở nên anh sống cùng bố mẹ, nuôi giấc mơ xuất khẩu lao động để lấy tiền ra riêng.
Bà Phạm Thị Hương (51 tuổi, mẹ Ngà) buồn rầu cho biết, thời gian qua gia đình liên tục nhận tin buồn. Một năm trước, chồng bà là ông Nguyễn Đình Triển (56 tuổi) đi xuất khẩu lao động ở Angola theo dạng tự do, tới nay chủ lao động không trả tiền, vẫn chưa thể về nước. Ngà nối bước bố ra nước ngoài làm ăn, nhưng rồi tiền mất, tính mạng thì đang lành ít dữ nhiều.
"Khi đi gia đình vay 30 triệu đồng tiền tín dụng. Hồi mới sang, Ngà bảo công việc vất vả, nhiều khi thức trắng đêm, những bữa ăn đều vội vàng. Tôi không hiểu rõ tính chất công việc của con, nhưng nghe nói thì lòng quặn thắt, nghĩ thương cho nó phải vất vả từ bé tới giờ", bà Hương nói.
Đứng dỗ dành con trai một tuổi, chị Nguyễn Thị Tâm (25 tuổi, vợ Ngà) kể, mấy đêm nay không ngủ được, lỡ chồng có mệnh hệ gì thì ai sẽ chăm sóc gia đình. "Khi đi, cả nhà đã dặn dò, khuyên anh nên chịu khó làm ăn, đừng bao giờ nhảy tàu, tiền mất tật mang, nếu khó khăn quá thì xin về. Giờ không biết nói gì hơn ngoài việc mong anh tai qua nạn khỏi", chị tâm sự.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Tương, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Anh cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 8.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, trong đó hơn 4.000 lao động là đi theo dạng không giấy phép.
"Trước đó có nhiều trường hợp sau khi sang nước bạn rồi bỏ trốn, đơn vị đã phối hợp với công ty môi giới, làm công văn gửi về cho gia đình, kết hợp xử phạt những người vi phạm", ông Tương nói và cho hay cái khó trong việc quản lý là có một số người khi đi xuất khẩu lao động không qua làm việc với phòng để hướng dẫn. Họ trực tiếp làm việc với một số công ty ngoài miền Bắc rồi tự đi. Do vậy khi xảy ra trục trặc gì, rất khó tiếp cận thông tin để xử lý.
Trước đó theo TTXVN, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết vào 23h30 (21h30 giờ Hà Nội) ngày 8/10, ba thuyền viên Việt Nam là Thiều Đình Thưởng (28 tuổi), Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, cùng trú xã Kỳ Sang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Lê Văn Thực (22 tuổi trú xã Thăng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), đang làm việc trên tàu cá Đài Loan đã nhảy xuống biển Nhật Bản, ở vị trí cách cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido khoảng 12 km.
Tàu Tomakaze của JCG tìm kiếm và phát hiện một phao cứu sinh có một túi nylon chứa tư trang gồm một áo khoác, một quần bò, một quần đùi, một khẩu trang gần khu vực thuyền viên nhảy xuống.

Điều dưỡng sang nhật làm việc chưa được bộ LĐ-TB&XH cho phép

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông báo ngày 13-10 thì thực tập sinh kỹ năng Việt Nam vẫn chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản.
Cơ quan này cho rằng thời gian gần đây một số nghiệp đoàn Nhật Bản đã sang Việt Nam gặp gỡ các công ty xuất khẩu lao động đề nghị hợp tác đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng sang thực tập tại Nhật Bản.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Qua đó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông tin việc mở rộng tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng đang được đệ trình Quốc hội và Hạ viện Nhật Bản để thảo luận thông qua. Tuy nhiên, hiện nay kỳ họp đã kết thúc và việc xem xét mở rộng lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh điều dưỡng vẫn chưa được hai cơ quan nói trên của Nhật Bản thông qua. Do vậy, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được thực hiện tuyển chọn thực tập kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản ngành nghề điều dưỡng.
Được biết, thời gian qua Cục Quản lý lao động ngoài nước được Bộ LĐ-TB&XH chỉ định nơi làm đầu mối tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật làm việc.  Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.

Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa ba năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa bốn năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư. Nếu đỗ các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.

Vụ công ty Việt Nhật Vinh Ron bị tố lừa hàng nghìn USD giờ ra sao

Tiếp tục cập nhật thông tin từ vụ công ty Vinh Ron bị tố lừa hàng nghìn USD của người lao động: Tuy sai phạm nhưng vẫn thách thức pháp luật. Trên báo Lao động có bài viết làm rõ hơn về vấn đề này. Cùng theo dõi nhé.

Cty TNHH Tư vấn quản lý phát triển Việt Nhật Vinh Ron (Cty Vinh Ron, địa chỉ số 28/1/21 Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM) không được cấp phép xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn tổ chức tuyển dụng, thu hàng chục ngàn USD, thu bằng gốc của người lao động (NLĐ). Cho rằng bị lừa, hơn 2 tháng qua, NLĐ kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay, dù sai phạm rất rõ, phía Cty vẫn ung dung, thách thức pháp luật, trong khi NLĐ lâm cảnh khốn đốn!
“Bố em quá lo lắng nên đã không qua khỏi”
Như Báo Lao Động nhiều lần thông tin, dù không được cấp phép, Cty Vinh Ron vẫn tổ chức tuyển dụng, đào tạo thu tiền 1.500-3.000 USD/người của gần 100 NLĐ, thu bằng gốc, giấy tờ tùy thân gốc của NLĐ và hứa hẹn đưa sang Nhật Bản làm việc. Quá thời hạn cam kết nhưng không đi được sang Nhật, NLĐ nghi ngờ bị lừa nên đề nghị Cty trả lại tiền, hồ sơ nhưng Cty không thực hiện. Bức xúc, NLĐ làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, Công an Q.Tân Bình, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83), sau hơn 2 tháng, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Sáng 10.10, sau 4 lần hẹn gặp trả tiền nhưng không được, NLĐ tập trung về trụ sở Cty Vinh Ron để nhận tiền, giấy tờ gốc, thế nhưng một lần nữa việc thỏa thuận lại bất thành.
Chị Phạm Thị Ngọc Em - người được Cty hứa hẹn đưa sang Nhật làm việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn - cho biết, chị nộp cho Cty tổng cộng 2.500 USD và Cty thu bằng tốt nghiệp THPT gốc, bằng trung cấp điều dưỡng gốc của chị. Hiện tại, không còn bằng cấp để xin việc, chị phải xin đi làm thời vụ bưng bê ở các nhà hàng tiệc cưới, cuộc sống rất khó khăn.
“Không ai tìm được việc làm hết vì giấy tờ tùy thân, bằng cấp không còn. Anh Nguyễn Thanh Hải còn nộp cả giấy khai sinh gốc cho Cty, anh Nguyễn Thanh Nhàn nộp cả bằng gốc đại học, cao đẳng, chứng chỉ nghề cho Cty. Số tiền chúng tôi nộp cho Cty là tiền gia đình phải cầm đất vay mượn. Ba của em Đỗ Thị Thùy vì quá lo lắng mà lâm bệnh, mới mất 1 tuần nay” - chị Nguyễn Thị Thanh nói.
Chị Thùy rưng rưng: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải vay nóng để có tiền cho em đi Nhật, giờ mọi chuyện vỡ lở, bố em quá lo lắng nên đã không qua khỏi”.
17 người có mặt sáng 10.10 là những người đứng đơn tố cáo Cty Vinh Ron với cơ quan chức năng. Những NLĐ này cho biết, những ngày gần đây, các học viên khác của Cty cũng gọi điện hỏi cách gửi đơn lên báo chí, cơ quan chức năng tố cáo Cty. Những LĐ này sẽ gửi đơn ra tới Hà Nội, Công an TPHCM để kêu cứu!
Những yêu cầu vô lối
Cho biết lý do khiến thỏa thuận trả tiền sáng 10.10 không thành, NLĐ cho biết, do Cty tiếp tục lùi thời hạn trả tiền đến ngày 30.11 và ngang ngược đặt ra những yêu cầu vô lối. Theo đó, Cty sẽ trừ 150 USD chi phí tư vấn và giới thiệu việc làm tại Nhật Bản, chi phí làm hồ sơ. Đặc biệt, NLĐ phải “Đính chính lại thông tin rằng bên A (Cty) không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bên B (NLĐ), bằng hình thức đăng bài viết trên mặt báo, trước ngày 30.11”.
Trước yêu cầu này của Cty, NLĐ bức xúc cho rằng: Việc Cty không có chức năng XKLĐ nhưng lập lờ tuyển dụng, thu tiền NLĐ là sai. Pháp luật quy định Cty không được thu bằng gốc, giấy tờ gốc của NLĐ mà Cty vẫn thu là sai, quá thời hạn thỏa thuận ban đầu nhưng Cty không chịu giải quyết cho NLĐ là Cty cũng sai…
“Vậy chúng tôi sẽ đính chính như thế nào? Chúng tôi đề nghị, ngày Cty trả lại tiền, bằng gốc cho chúng tôi, chúng tôi sẽ mời nhà báo, cơ quan chức năng tới nhưng phía Cty vẫn không chấp nhận” - chị Nguyễn Thị Thanh nói.
Ngày 10.10, Cty không hẹn ngày trả lại bằng cấp và chứng chỉ gốc cho NLĐ, phía Cty cho rằng, toàn bộ giấy tờ gốc của NLĐ đã được Cty chuyển sang Nhật, nếu bây giờ muốn lấy lại, Giám đốc Cty là bà Nguyễn Thị Đoan Phương phải sang Nhật để lấy, nhưng vì vướng các bài báo nói về Cty Vinh Ron nên bà Phương không xuất cảnh được. “Cty lùi thời hạn rồi đề nghị chúng tôi phải “đăng bài lên báo” nói Cty không lừa đảo để giám đốc qua Nhật và ở luôn bên đó, hoặc ở 1 vài năm thì chúng tôi đòi tiền ở đâu?” - chị Ngoãn nghi ngờ.
NLĐ cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị trực tiếp đến cơ quan Công an Q.Tân Bình, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).
Trong khi đó, nguồn tin của PV Báo Lao Động cho biết, làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Đoan Phương thừa nhận việc thu tiền, thu bằng gốc của NLĐ là sai và hứa sẽ khắc phục.