Thứ Tư, 14 tháng 10, 2015

Mọi người chờ mong tin tức từ thuyền viên mất tích trên biển nhật bản

Nhận tin con trai Thiều Đình Thưởng (28 tuổi) là một trong ba người Việt Nam mất tích trên tàu cá ở ngoài khơi bờ biển tỉnh Hokkaido, bà Hương đứng ngồi không yên, mắt luôn dõi thông tin trên tivi rồi cầu nguyện.
Ba thuyền viên Việt Nam mất tích ngoài khơi biển Nhật Bản
Trưa 12/10, trong căn nhà cấp bốn ở xã Kỳ Khang (Kỳ Anh, Hà Tĩnh), bà Hồ Thị Hương (52 tuổi, mẹ thuyền viên Thiều Đình Thưởng) ngồi lặng bên góc giường. Tối hôm trước xem tivi, thấy thông báo một số người Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Đài Loan rồi mất tích trên biển Nhật Bản, linh tính mách bảo, bà chợt nghĩ tới con trai thứ hai đang đi xuất khẩu lao động gặp chuyện chẳng lành.

"Tôi thấp thỏm, đứng ngồi không yên. Sáng nay nhà môi giới lao động ở thị xã Kỳ Anh tới thông báo Thưởng cùng hai người nữa mất tích ở ngoài biển, hiện chưa rõ tình tình. Chân tay tôi bủn rủn, gục bên vai chồng rồi khóc", bà Hương kể.
Theo bà Hương, 4 tháng trước gia đình đã vay 21 triệu đồng để anh Thưởng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan với mức lương khoảng 8,5 triệu đồng mỗi tháng. Theo quy định sau 4 tháng, chủ lao động sẽ thanh toán tiền một lần, nhưng nay khi gần đến thời hạn nhận tiền thì anh Thưởng gặp nạn.
"Đã 4 ngày rồi, tôi đang tắt dần hy vọng. Có một số trường hợp trước đây nhảy tàu, may mắn sống sót. Hy vọng con trai tôi có thể nhảy được ra xa, bơi vào bờ", ông Thiều Hữu Kỳ (56 tuổi, bố Thưởng) nói.
Là con thứ hai trong gia đình có sáu anh chị em, anh Thưởng học hết cấp một thì bôn ba đi làm đủ nghề kiếm sống. Trước đó nam thanh niên từng đi xuất khẩu lao động, tích cóp được ít vốn giúp bố mẹ và trả nợ. Năm nay, anh tiếp tục đăng ký đi với hy vọng có thể kiếm tiền về xây nhà, lập gia đình.
Cách nhà ông Kỳ khoảng một km là nhà thuyền viên Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, trú xã Kỳ Khang). Ngà và Thưởng là đôi bạn thân, đi xuất khẩu lao động cùng thời điểm và đều mất tích vào đêm 8/10. Ngà mới lập gia đình, có con gái một tuổi. Do chưa có nhà ở nên anh sống cùng bố mẹ, nuôi giấc mơ xuất khẩu lao động để lấy tiền ra riêng.
Bà Phạm Thị Hương (51 tuổi, mẹ Ngà) buồn rầu cho biết, thời gian qua gia đình liên tục nhận tin buồn. Một năm trước, chồng bà là ông Nguyễn Đình Triển (56 tuổi) đi xuất khẩu lao động ở Angola theo dạng tự do, tới nay chủ lao động không trả tiền, vẫn chưa thể về nước. Ngà nối bước bố ra nước ngoài làm ăn, nhưng rồi tiền mất, tính mạng thì đang lành ít dữ nhiều.
"Khi đi gia đình vay 30 triệu đồng tiền tín dụng. Hồi mới sang, Ngà bảo công việc vất vả, nhiều khi thức trắng đêm, những bữa ăn đều vội vàng. Tôi không hiểu rõ tính chất công việc của con, nhưng nghe nói thì lòng quặn thắt, nghĩ thương cho nó phải vất vả từ bé tới giờ", bà Hương nói.
Đứng dỗ dành con trai một tuổi, chị Nguyễn Thị Tâm (25 tuổi, vợ Ngà) kể, mấy đêm nay không ngủ được, lỡ chồng có mệnh hệ gì thì ai sẽ chăm sóc gia đình. "Khi đi, cả nhà đã dặn dò, khuyên anh nên chịu khó làm ăn, đừng bao giờ nhảy tàu, tiền mất tật mang, nếu khó khăn quá thì xin về. Giờ không biết nói gì hơn ngoài việc mong anh tai qua nạn khỏi", chị tâm sự.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Đình Tương, Phó phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Anh cho biết, trên địa bàn hiện có hơn 8.000 lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc…, trong đó hơn 4.000 lao động là đi theo dạng không giấy phép.
"Trước đó có nhiều trường hợp sau khi sang nước bạn rồi bỏ trốn, đơn vị đã phối hợp với công ty môi giới, làm công văn gửi về cho gia đình, kết hợp xử phạt những người vi phạm", ông Tương nói và cho hay cái khó trong việc quản lý là có một số người khi đi xuất khẩu lao động không qua làm việc với phòng để hướng dẫn. Họ trực tiếp làm việc với một số công ty ngoài miền Bắc rồi tự đi. Do vậy khi xảy ra trục trặc gì, rất khó tiếp cận thông tin để xử lý.
Trước đó theo TTXVN, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản (JCG) cho biết vào 23h30 (21h30 giờ Hà Nội) ngày 8/10, ba thuyền viên Việt Nam là Thiều Đình Thưởng (28 tuổi), Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi, cùng trú xã Kỳ Sang, Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Lê Văn Thực (22 tuổi trú xã Thăng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình), đang làm việc trên tàu cá Đài Loan đã nhảy xuống biển Nhật Bản, ở vị trí cách cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido khoảng 12 km.
Tàu Tomakaze của JCG tìm kiếm và phát hiện một phao cứu sinh có một túi nylon chứa tư trang gồm một áo khoác, một quần bò, một quần đùi, một khẩu trang gần khu vực thuyền viên nhảy xuống.

Điều dưỡng sang nhật làm việc chưa được bộ LĐ-TB&XH cho phép

Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) thông báo ngày 13-10 thì thực tập sinh kỹ năng Việt Nam vẫn chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản.
Cơ quan này cho rằng thời gian gần đây một số nghiệp đoàn Nhật Bản đã sang Việt Nam gặp gỡ các công ty xuất khẩu lao động đề nghị hợp tác đưa thực tập sinh ngành điều dưỡng sang thực tập tại Nhật Bản.

Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam. Qua đó Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam thông tin việc mở rộng tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng đang được đệ trình Quốc hội và Hạ viện Nhật Bản để thảo luận thông qua. Tuy nhiên, hiện nay kỳ họp đã kết thúc và việc xem xét mở rộng lĩnh vực tiếp nhận thực tập sinh điều dưỡng vẫn chưa được hai cơ quan nói trên của Nhật Bản thông qua. Do vậy, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Quản lý lao động ngoài nước vừa gửi văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được thực hiện tuyển chọn thực tập kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản ngành nghề điều dưỡng.
Được biết, thời gian qua Cục Quản lý lao động ngoài nước được Bộ LĐ-TB&XH chỉ định nơi làm đầu mối tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý sang Nhật làm việc.  Trong thời gian đào tạo, học viên sẽ được cung cấp miễn phí chỗ ở nội trú, bữa ăn và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí. Kết thúc khóa học, ứng viên sẽ tham gia kỳ thi chứng chỉ năng lực tiếng Nhật cấp độ N3.

Những người được lựa chọn sẽ được sang Nhật Bản vừa học vừa làm với thời gian tối đa ba năm đối với ứng viên điều dưỡng (mỗi năm gia hạn một lần) và tối đa bốn năm đối với ứng viên hộ lý (mỗi năm gia hạn một lần). Trong thời gian vừa học vừa làm tại Nhật Bản, các ứng viên được phép dự kỳ thi cấp chứng chỉ quốc gia Nhật Bản về điều dưỡng viên và hộ lý. Ứng viên điều dưỡng được dự thi mỗi năm một lần, ứng viên hộ lý được dự thi một lần vào năm thứ tư. Nếu đỗ các ứng viên sẽ được cấp chứng chỉ quốc gia đối với điều dưỡng viên, hộ lý Nhật Bản và được phép ở lại làm việc dài hạn.

Vụ công ty Việt Nhật Vinh Ron bị tố lừa hàng nghìn USD giờ ra sao

Tiếp tục cập nhật thông tin từ vụ công ty Vinh Ron bị tố lừa hàng nghìn USD của người lao động: Tuy sai phạm nhưng vẫn thách thức pháp luật. Trên báo Lao động có bài viết làm rõ hơn về vấn đề này. Cùng theo dõi nhé.

Cty TNHH Tư vấn quản lý phát triển Việt Nhật Vinh Ron (Cty Vinh Ron, địa chỉ số 28/1/21 Phan Đình Giót, P.2, Q.Tân Bình, TPHCM) không được cấp phép xuất khẩu lao động (XKLĐ) vẫn tổ chức tuyển dụng, thu hàng chục ngàn USD, thu bằng gốc của người lao động (NLĐ). Cho rằng bị lừa, hơn 2 tháng qua, NLĐ kêu cứu khắp nơi nhưng đến nay, dù sai phạm rất rõ, phía Cty vẫn ung dung, thách thức pháp luật, trong khi NLĐ lâm cảnh khốn đốn!
“Bố em quá lo lắng nên đã không qua khỏi”
Như Báo Lao Động nhiều lần thông tin, dù không được cấp phép, Cty Vinh Ron vẫn tổ chức tuyển dụng, đào tạo thu tiền 1.500-3.000 USD/người của gần 100 NLĐ, thu bằng gốc, giấy tờ tùy thân gốc của NLĐ và hứa hẹn đưa sang Nhật Bản làm việc. Quá thời hạn cam kết nhưng không đi được sang Nhật, NLĐ nghi ngờ bị lừa nên đề nghị Cty trả lại tiền, hồ sơ nhưng Cty không thực hiện. Bức xúc, NLĐ làm đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, Công an Q.Tân Bình, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83), sau hơn 2 tháng, vụ việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Sáng 10.10, sau 4 lần hẹn gặp trả tiền nhưng không được, NLĐ tập trung về trụ sở Cty Vinh Ron để nhận tiền, giấy tờ gốc, thế nhưng một lần nữa việc thỏa thuận lại bất thành.
Chị Phạm Thị Ngọc Em - người được Cty hứa hẹn đưa sang Nhật làm việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn - cho biết, chị nộp cho Cty tổng cộng 2.500 USD và Cty thu bằng tốt nghiệp THPT gốc, bằng trung cấp điều dưỡng gốc của chị. Hiện tại, không còn bằng cấp để xin việc, chị phải xin đi làm thời vụ bưng bê ở các nhà hàng tiệc cưới, cuộc sống rất khó khăn.
“Không ai tìm được việc làm hết vì giấy tờ tùy thân, bằng cấp không còn. Anh Nguyễn Thanh Hải còn nộp cả giấy khai sinh gốc cho Cty, anh Nguyễn Thanh Nhàn nộp cả bằng gốc đại học, cao đẳng, chứng chỉ nghề cho Cty. Số tiền chúng tôi nộp cho Cty là tiền gia đình phải cầm đất vay mượn. Ba của em Đỗ Thị Thùy vì quá lo lắng mà lâm bệnh, mới mất 1 tuần nay” - chị Nguyễn Thị Thanh nói.
Chị Thùy rưng rưng: “Hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ phải vay nóng để có tiền cho em đi Nhật, giờ mọi chuyện vỡ lở, bố em quá lo lắng nên đã không qua khỏi”.
17 người có mặt sáng 10.10 là những người đứng đơn tố cáo Cty Vinh Ron với cơ quan chức năng. Những NLĐ này cho biết, những ngày gần đây, các học viên khác của Cty cũng gọi điện hỏi cách gửi đơn lên báo chí, cơ quan chức năng tố cáo Cty. Những LĐ này sẽ gửi đơn ra tới Hà Nội, Công an TPHCM để kêu cứu!
Những yêu cầu vô lối
Cho biết lý do khiến thỏa thuận trả tiền sáng 10.10 không thành, NLĐ cho biết, do Cty tiếp tục lùi thời hạn trả tiền đến ngày 30.11 và ngang ngược đặt ra những yêu cầu vô lối. Theo đó, Cty sẽ trừ 150 USD chi phí tư vấn và giới thiệu việc làm tại Nhật Bản, chi phí làm hồ sơ. Đặc biệt, NLĐ phải “Đính chính lại thông tin rằng bên A (Cty) không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bên B (NLĐ), bằng hình thức đăng bài viết trên mặt báo, trước ngày 30.11”.
Trước yêu cầu này của Cty, NLĐ bức xúc cho rằng: Việc Cty không có chức năng XKLĐ nhưng lập lờ tuyển dụng, thu tiền NLĐ là sai. Pháp luật quy định Cty không được thu bằng gốc, giấy tờ gốc của NLĐ mà Cty vẫn thu là sai, quá thời hạn thỏa thuận ban đầu nhưng Cty không chịu giải quyết cho NLĐ là Cty cũng sai…
“Vậy chúng tôi sẽ đính chính như thế nào? Chúng tôi đề nghị, ngày Cty trả lại tiền, bằng gốc cho chúng tôi, chúng tôi sẽ mời nhà báo, cơ quan chức năng tới nhưng phía Cty vẫn không chấp nhận” - chị Nguyễn Thị Thanh nói.
Ngày 10.10, Cty không hẹn ngày trả lại bằng cấp và chứng chỉ gốc cho NLĐ, phía Cty cho rằng, toàn bộ giấy tờ gốc của NLĐ đã được Cty chuyển sang Nhật, nếu bây giờ muốn lấy lại, Giám đốc Cty là bà Nguyễn Thị Đoan Phương phải sang Nhật để lấy, nhưng vì vướng các bài báo nói về Cty Vinh Ron nên bà Phương không xuất cảnh được. “Cty lùi thời hạn rồi đề nghị chúng tôi phải “đăng bài lên báo” nói Cty không lừa đảo để giám đốc qua Nhật và ở luôn bên đó, hoặc ở 1 vài năm thì chúng tôi đòi tiền ở đâu?” - chị Ngoãn nghi ngờ.
NLĐ cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị trực tiếp đến cơ quan Công an Q.Tân Bình, Cục An ninh chính trị nội bộ (A83) và Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH).
Trong khi đó, nguồn tin của PV Báo Lao Động cho biết, làm việc với cơ quan công an, bà Nguyễn Thị Đoan Phương thừa nhận việc thu tiền, thu bằng gốc của NLĐ là sai và hứa sẽ khắc phục.

3 thuyền viên Việt Nam mất tích trên biển NB đã xác định được danh tính

Theo thông tin từ bái Việt Nam Plus thì 3 thuyền viên mất tích trên biển nhật bản được xác định là: Lê Văn Thực (22 tuổi), Thiều Đình Cường (28 tuổi) và Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi).
Chiều 11/10, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết đã xác định được danh tính 3 thuyền viên Việt Nam trên tàu tàu Hsiang Fur Far của Đài Loan (Trung Quốc) đã nhảy xuống biển tại khu vực gần cảng Shiraoi, tỉnh Hokkaido, Nhật Bản.
Ba thuyền viên ​này do Công ty cổ phần Xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC) và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (CIENCO 1) đưa đi, gồm: Lê Văn Thực (22 tuổi), Thiều Đình Cường (28 tuổi) và Nguyễn Đình Ngà (25 tuổi).
Ngay sau khi 3 thuyền viên nhảy xuống biển, một số thuyền viên trên tàu Hsiang Fur Far đã tổ chức tìm kiếm những thuyền viên này nhưng không thấy.
Tàu Hsiang Fur Far có 61 thuyền viên, trong đó có 21 thuyền viên là người Việt Nam. Phía Nhật Bản đã cử ngay 6 tàu và 1 máy bay ra tìm kiếm nhưng hiện vẫn chưa tìm thấy 3 thuyền viên mất tích. Do ảnh hưởng của cơn bão số 23, khu vực tìm kiếm đang có gió mạnh, sóng lớn nên công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.
Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu hai công ty đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài khẩn trương xác minh, báo cáo nguyên nhân thuyền viên rơi xuống biển, phối hợp với chủ tàu Hsiang Fur Far và cơ quan chức năng của Nhật Bản để tìm kiếm, cứu hộ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các thuyền viên. Hai công ty phải cử cán bộ trực tiếp thông báo, động viên thân nhân của 3 thuyền viên ổn định tâm lý.
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Nhật Bản đang nỗ lực làm việc với các cơ quan chức năng Nhật Bản để phối hợp tìm kiếm 3 thuyền viên mất tích này. Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc cũng đang liên hệ với chủ tàu ở Cao Hùng, Đài Loan (Trung Quốc) đề nghị cho biết tình hình vụ việc để có các biện pháp bảo hộ công dân kịp thời.

Thứ Hai, 12 tháng 10, 2015

Theo tình hình thực tế, kịp thời tham mưu các chính sách xã hội cho UBND huyện Diên Khánh

Theo ông chủ tịch UBND huyện Diên Khánh thì trong những năm qua, cán bộ huyện đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện triển khai đồng bộ các chính sách xã hội, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển, nâng cao mức sống người dân. Qua đó, toàn huyện có hơn 80% người học nghề tốt nghiệp có việc làm ổn định, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện lên 59,7%; tạo việc làm mới cho hơn 15.000 người và hướng dẫn hơn 200 người tham gia xuất khẩu lao đông nhật bản, hàn quốc,….
Hàng năm, căn cứ tình hình thực tế của địa phương, phòng kịp thời tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai các chính sách an sinh xã hội cụ thể để hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ các đối tượng yếu thế và giảm nghèo. Từ năm 2010 đến nay, phòng đã tham mưu cho UBND huyện hỗ trợ học nghề cho hơn 10.000 người; mở các lớp đào tạo nghề cho hơn 2.200 lao động nông thôn. Qua đó, hơn 80% người học nghề tốt nghiệp có việc làm ổn định, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn huyện lên 59,7%; tạo việc làm mới cho hơn 15.000 người và hướng dẫn hơn 200 người tham gia xuất khẩu lao động ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc. Phòng còn phối hợp với các cấp, ngành tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật lao động; thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Phòng luôn chủ động tham mưu cho Đảng bộ, chính quyền huyện thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những nội dung mới ban hành liên quan đến người có công; thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời, chính xác các chế độ hàng tháng cho 711 người có công với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng/năm. Nhờ đó, hầu hết người có công trên địa bàn huyện luôn có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú. Phòng còn lên danh sách, trình UBND huyện phê duyệt cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho hơn 800 người có công và hơn 800 cựu chiến binh. Mặt khác, mỗi năm, phòng vận động các cấp, ngành, doanh nghiệp, nhân dân đóng góp hơn 340 triệu đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ số tiền này, phòng đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 162 căn nhà tình nghĩa cho gia đình người có công cách mạng với tổng kinh phí hơn 4,1 tỷ đồng...
Ông Võ Văn Nhu, Trưởng phòng LĐ-TB-XH huyện Diên Khánh cho biết, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã giảm hơn 2.700 hộ nghèo, vượt 21,7% so với kế hoạch đề ra. Để có được kết quả này, phòng đã kịp thời tham mưu cho UBND huyện triển khai đồng bộ những biện pháp giảm nghèo chủ yếu như: Thực hiện chính sách, dự án tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; mở các lớp đào tạo nghề phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi; xây dựng các mô hình giảm nghèo bền vững... Phòng cũng tham mưu hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho 439 hộ nghèo với số tiền hơn 11 tỷ đồng; thực hiện cấp hơn 19.000 thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cho người nghèo, vận động hơn 90% hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế...
Bên cạnh đó, phòng còn triển khai đồng bộ công tác bảo trợ xã hội cho các đối tượng người cao tuổi, khuyết tật, trẻ em mồ côi, người bị bệnh tâm thần... Hiện nay, toàn huyện có 4.096 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, hàng năm có hơn 3.400 người được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đối với người già cô đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phòng đã lập hồ sơ đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Từ năm 2011 đến nay, phòng cấp 9 đợt gạo cứu trợ với hơn 741,7 tấn gạo cho hơn 9.000 hộ, chủ yếu là hộ nghèo và người dân tộc thiểu số.
Mặt khác, phòng đã tham mưu, phối hợp xây dựng 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, thị trấn phù hợp với trẻ em. Đặc biệt, những năm qua, phòng đã thực hiện 4 đề tài sáng kiến kinh nghiệm. Các đề tài đã được công nhận và ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả cao... Với những nỗ lực trên, Chi bộ Phòng 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh, trong đó năm 2011 đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được UBND tỉnh, Huyện ủy tặng bằng khen. Công đoàn Phòng 5 năm liên tục đạt vững mạnh xuất sắc.

Thái độ của doanh nghiệp chế biến gỗ trước xu thế hội nhập

Công nhận từ nhiều năm qua, doanh nghiệp chế biến gỗ có nhiều cơ hội để làm quan với các quy chế, quy định, luật lệ xuất nhập khẩu quốc tế. Sau khi hiệp định TPP được ký kết thì ngành chế biến gỗ VN đứng trước nhiều cơ hội, song cũng không ít thách thức.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam.
PV: Hiện nay có một số DN chế biến, xuất khẩu gỗ Việt Nam chưa muốn ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại lâm sản (VPA/FLEGT) với EU. Theo ông, tâm lý như vậy xuất phát từ nguyên nhân nào? Và ông có thể giải thích rõ lý do ký kết Hiệp định này?
Ông Nguyễn Tôn Quyền: Chúng ta đang có khoảng 4.000 doanh nghiệp chế biến gỗ, nhưng chỉ có khoảng 1.000 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp của chúng ta đang thực hiện khá nhiều yêu cầu về chất lượng sản phẩm, hồ sơ pháp lý của các đối tác nước ngoài như EU, Mỹ, Nhật, Australia… mọi hoạt động xuất khẩu hiện vẫn khá suôn sẻ, bình thường.
Khi ký kết Hiệp định thì đương nhiên sẽ thêm thủ tục hành chính cho DN là cấp phép; rồi DN sẽ phải mất thời gian, tăng thêm chi phí. Đó là những điều mà không DN nào muốn, cho nên có tâm lý chưa muốn ký kết mà họ muốn yên ổn làm ăn như hiện nay. Tuy nhiên, xét về bình diện lợi ích quốc gia, lợi ích phát triển lâu dài của cộng đồng DN chế biến xuất khẩu gỗ thì chúng ta đàm phán để ký VPA/FLEGT với EU có 3 lý do chính:
Thứ nhất: Xu thế của thế giới hiện nay hướng tới bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, sử dụng gỗ hợp pháp, sử dụng gỗ bền vững. Đó là xu thế tất yếu không thể khác được. Mình không đi theo xu thế này sẽ lạc hậu, và đây là sáng kiến của EU là một sáng kiến tốt. Đó là xu thế tất yếu mình phải theo, DN dù không muốn cũng phải làm. 
Thứ hai: Chúng tôi có nhiều kỳ vọng, nói xuất khẩu sang thị trường EU, nhưng hầu hết chỉ có 5 nước Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Italy từ đó bán đi các nước khác cho nên giá trị kim ngạch còn thấp, chỉ bằng 10% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam. Năm 2014 xuất khẩu gỗ đạt 6,3 tỉ USD, vào EU chỉ 600 triệu USD. Chúng tôi kỳ vọng, nếu ký được hiệp định này, thị trường mở rộng với 28 nước, kim ngạch sẽ lên hàng tỉ USD mỗi năm. 
Thứ ba: Việt Nam vừa là nước xuất khẩu vừa nhập khẩu, đã xuất khẩu, nhập khẩu thì có thể rủi ro rất lớn. Nhiều DN ở các quốc gia xuất khẩu đồ gỗ chưa có chứng chỉ FSC (chứng chỉ quản lý rừng bền vững), chưa có hiệp định đối tác tự nguyện (VPA), chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU thì rủi ro rất lớn. Cho nên nếu tham gia VPA/FLEGT, Việt Nam có quyền lựa chọn những quốc gia nào có thể đáp ứng được, có thể bán hàng, mua hàng, lựa chọn thiết bị. Quan trọng hơn nữa, phía EU giúp mình về kỹ thuật để tìm kiếm các đối tác tốt hơn, có điều kiện phát triển tốt hơn, có luật lệ minh bạch hơn… Nhưng kỳ vọng quan trọng nữa là giá cả sản phẩm sẽ tăng lên, làm tăng doanh số cho DN.
PV: Có ý kiến cho rằng, hầu hết các DN chế biến gỗ Việt Nam đến nay đã đáp ứng được các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp theo cam kết trong VPA/FLEGT khi xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường EU?
Ông Nguyễn Tôn Quyền: DN của ta đã “thuộc bài”, đã làm quen nhiều với các quy chế, quy định, luật lệ quốc tế trong thời gian qua. Từ quy chế gỗ năm 2013 của EU, từ Đạo luật Lacey của Hoa Kỳ đến các yêu cầu khắt khe về chất lượng của Nhật Bản, của Australia. Nghĩa là đã “thạo” với luật lệ thị trường quốc tế. Thực tế, các doanh nghiệp nước ngoài họ cũng thích làm việc với tác phong thạo việc như vậy.
Ví dụ ở Bỉ, họ cũng yêu cầu không cần giấy tờ nhiều, miễn là gỗ hợp pháp và các đối tác đã quen cách làm việc, đã tin cậy nhau. Lâu nay lâu nay chúng ta vẫn đang đang thực hiện và đến nay vẫn chưa có một lô hàng gỗ nào bị đối tác trả về. Hiện nay mỗi năm thế giới có nhu cầu khoảng 230 tỉ USD đồ gỗ (có con số nói khoảng 300 tỉ). Riêng thị trường 28 nước EU là 85 tỉ USD nhưng Việt Nam mới chỉ xuất sang EU 600 triệu USD là con số chưa đáng kể. Nhu cầu của Mỹ 22 tỉ USD nhưng ta mới đạt 2 tỉ USD (10%) chưa thấm vào đâu. Với dung lượng tiêu thụ đồ gỗ thế giới còn rất lớn, chúng tôi kỳ vọng năm 2020 sẽ đạt con số xuất khẩu đồ gỗ 12 tỉ USD. DN Việt Nam chắc chắn sẽ đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp định này.
PV: Bên cạnh Hiệp định đối tác tự nguyện đối với đồ gỗ, Việt Nam và EU còn ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA). Vậy các DN ngành gỗ sẽ được hưởng những lợi ích nào từ Hiệp định này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Tôn Quyền: Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU chắc chắn sẽ có lợi rất nhiều đối với các doanh nghiệp. Thứ nhất, trước đây doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là bán sản phẩm, ít mua gỗ của nước ngoài, nhưng su khi kí Hiệp định FTA, doanh nghiệp trong nước sẽ có nhu cầu mua nhiều gỗ của nước ngoài, vì gỗ của họ rất tốt như gỗ của Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển…khi đã miễn thuế thì DN được lợi ít nhất 10%. Thứ hai là doanh nghiệp sẽ không phải mất tiền chi phí cho khảo sát, đánh giá cho việc cấp chứng chỉ về nguồn gốc gỗ. Thứ ba là thiết bị chế biến gỗ. Trước đây mình nghèo, mua thiết bị chế biến gỗ của EU giá cao mà thuế tới 20-30%. Sắp tới được miễn thuế mà lại được trả chậm. Ví dụ, thiết bị Trung Quốc khoảng 1 triệu USD một dây chuyền sản xuất, 5 năm phải thay đổi, nhưng thiết bị của EU là 5 triệu USD, sản xuất khoảng 30 năm mới phải thay đổi. Cái nữa quan trọng hơn đối với DN chế biến xuất khẩu gỗ là nâng cao trình độ quản trị sản xuất kinh doanh của các chủ DN. Khi đối tác mua sản phẩm của mình, đối tác sẽ đưa chuyên gia vào hướng dẫn kỹ thuật tại chỗ cho nên các ngành nói chung, ngành gỗ nói riêng sẽ có nhiều lợi ích từ FTA với EU.
PV: Đó là những thuận lợi lớn, nhưng các DN ngành gỗ cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức trong điều kiện hội nhập sâu rộng hiện nay, thưa ông?
Ông Nguyễn Tôn Quyền: Trước hết là sự cạnh tranh quyết liệt trong thị trường nội địa của Việt Nam, vì Việt Nam ký kết FTA với EU và TPP trong tương lai, cuối năm nay cộng đồng kinh tế ASEAN hình thành, rồi sẽ ký kết VPA/FLEGT với EU. Các Hiệp định này với những cam kết đưa ra là doanh nghiệp bình đẳng, thuế suất bằng không, chất lượng hàng hóa phải đủ tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Trong khi thị trường nội địa hiện nay vẫn yếu ớt, các sản phẩm gỗ của nước ngoài vào Việt Nam chất lượng tốt, giá thành lại rẻ, có tính pháp lý rất cao. Do đó, lo ngại nhất hiện nay là sự cạnh tranh quyết liệt giữa DN gỗ Việt Nam với DN gỗ nước ngoài. Các DN gỗ của Việt Nam cũng thấy điều đó, vì hiện nay các DN của ta manh mún, nhỏ lẻ và phân tán, mà nhà nước chưa có chính sách nào hỗ trợ cho vấn đề này. Người ta vẫn nói thị trường gỗ Việt Nam thua ngay trên sân nhà là như vậy. Thứ hai là khi càng hội nhập kinh tế quốc tế sâu bao nhiêu thì thách thức của ngành gỗ càng lớn bấy nhiêu, mặc dù cơ hội cũng rất lớn. Đó là trình độ của các chủ DN của chúng ta chưa theo kịp với trình độ phát triển của thế giới, đặc biệt trong chính sách thương mại quốc tế và trình độ ngoại ngữ của DN gỗ ta rất yếu. Phải mất rất nhiều thời gian chúng ta mới hiểu được thương mại quốc tế là như thế nào. Mặt hàng đồ gỗ Việt Nam xuất khẩu được thị trường EU ưa chuộng. Thứ ba là năng suất lao động trong ngành gỗ của Việt Nam hiện nay còn rất thấp. Theo tổng kết, cả DN lớn, nhỏ, bình quân 1 năm một lao động trong ngành công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam làm ra chỉ 12.000 - 13.000 USD. Trong khi đó Trung Quốc là 24.000 USD, EU là 36.000 USD. Nguyên nhân là do tay nghề, do quy trình sản xuất còn lạc hậu nên năng suất lao động thấp. Thứ tư là đội ngũ công nhân kỹ thuật trong ngành gỗ hiện nay vô cùng èo uột. Trước đây, có nhiều trường đào tạo công nhân nghề gỗ tại các địa phương và khu vực, nhưng bây giờ các trường đều nâng lên thành Cao đẳng, Đại học hết rồi nên việc đào tạo công nhân lành nghề ít được chú ý. Đó là những thách thức lớn mà mình phải vượt qua.
PV: Theo ông những giải pháp cơ bản nào để ngành gỗ Việt Nam phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Tôn Quyền: Để phát triển ngành gỗ nói chung trước hội nhập, trước hết Nhà nước cần có chính sách đối với thị trường nội địa. Tôi lấy ví dụ, 20 năm nay phát triển xuất khẩu rất tốt với nhiều chính sách ưu ái cho ngành gỗ, nhưng nội địa thì không có chính sách nào cả, chưa thấy có văn bản nào cho chính sách phát triển gỗ nội địa, thậm chí kênh phân phối gỗ nội địa không có, sản xuất thì manh mún, chất lượng thì chưa thật tốt. Cần có khoản vay ưu đãi để nhập thiết bị, công nghệ hiện đại, vì của ta hiện nay hầu hết là máy móc thiết bị của Trung Quốc, Đài Loan. Vay ưu đãi chứ không phải là vay thương mại. Rồi nữa, bản thân DN ngành gỗ chúng tôi phải tự vươn lên. Dứt khoát phải có chính sách đào tạo dài hạn, ngắn hạn để từng bước vươn lên. Đào tạo chủ DN, đào tạo văn phòng DN, đào tạo công nhân kỹ thuật. Tiếp nữa là làm ăn có chứng chỉ, làm ăn chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn. Hiện nay cái này còn hạn chế. Cũng rất may đến nay nhiều chủ DN gỗ Việt Nam rất tỉnh táo, họ liên tục cập nhật thông tin, họ đã yêu cầu chúng tôi biên soạn tài liệu kỹ thuật, giới thiệu đối tác để tiếp cận. Hiện nhiều DN chế biến gỗ đã liên kết với nhau. Ngoài ra các DN cũng cử nhiều đoàn đi nước ngoài tìm kiếm thị trường mới… đó là những điều tốt, nhưng dẫu sao vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nguồn nhân lực lãng phí được giải quyết trong hội chợ việc làm phía bắc 2015

Ngày 27-8, tại Trường Cao Đẳng Nghề tỉnh Yên Bái, Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB-XH đã tổ chức Hội chợ việc làm phía Bắc năm 2015. Hội chợ thu hút 1.000 sinh viên theo học tại các trường dạy nghề phía Bắc cùng hơn 20 doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng lao động tham dự.
Các ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao gồm: công nghệ ô tô, công nghệ hàn, cắt gọt kim loại, công nghệ thông tin, điện công nghiệp. Hội chợ là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Tăng cường kỹ năng nghề do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ nhằm đưa DN đến gần hơn với trường nghề và các học viên.
Ông Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cho rằng học viên, cơ sở đào tạo nghề và DN là 3 phần không thể thiếu trong sự phát triển, là yếu tố cốt lõi trong việc xây dựng hệ thống dạy nghề có chất lượng và hiệu quả, gắn liền với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu xã hội. Hội chợ việc làm 2015 được tổ chức sẽ là cầu nối giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học viên học nghề và DN để đáp ứng yêu cầu của các bên về lao động, việc làm và đào tạo nghề. Trần Xuân Dũng, sinh viên năm thứ 2, Khoa Công nghệ hàn, trường CĐ nghề Yên Bái cho biết tham dự hội chợ và tìm hiểu một số DN có nhu cầu tuyển dụng lao động, thấy ngành hàn mà mình đang theo học hiện có khá nhiều DN có nhu cầu tuyển dụng, thậm chí là tuyển lao động xuất khẩu sang các thị trường như Nhật Bản nên rất mừng. “Em cũng đã đăng ký lưu thông tin ở 3 DN để khi có nhu cầu thì người ta gọi xét tuyển và phỏng vấn. Mong muốn của em sau này là tìm một công việc đúng với ngành hàn công nghiệp mà mình đang theo học, nếu may mắn được đi lao động ở nước ngoài thì đó cũng là một điều tốt để mình có thu nhập cao hơn cũng như nâng cao tay nghề”-Dũng nói.
Tại Hội chợ việc làm, đại diện nhà trường cũng đã lần lượt ký kết "Hợp tác cung ững nguồn nhân lực" cho các doanh nghiệp tham gia. Đại diện các DN, ông Nguyễn Ngọc Hưng, Giám đốc Công ty CP Xây dựng nhân lực GIAVI cho biết: Các DN cần tuyển dụng lao động rất hoan nghênh những sinh viên tốt nghiệp từ các cơ sở dạy nghề chuyên nghiệp. Đối với công ty ông, đang hoạt động trong lĩnh vực cung ứng nhân lực thì những sinh viên tốt nghiệp từ các trường dạy nghề đáp ứng rất tốt các yêu cầu về kỹ năng nghề. Tuy nhiên, nhiều DN cũng muốn trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo tại các trường cao đẳng nghề, để từ đó "nuôi" được nguồn nhân lực có triển vọng để đầu quân cho DN mình. Điều đó không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp trường nghề mà còn là yếu tố căn bản để DN ngày một phát triển và thành công hơn nữa".

Khảo sát từ dự án Tăng cường kỹ năng nghề do ADB tài trợ tại 223 DN cho thấy trên 50% DN cho biết sẵn sàng hợp tác với các cơ sở dạy nghề để đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực.