Thứ Ba, 22 tháng 9, 2015

Xuất khẩu lao động cần phải có hướng đi đúng đắn

Xuất khẩu lao động ra nước ngoài hiện nay đang cần được các cơ quan chức năng quan tâm sát sao, bởi lực lượng “cò” đông đảo khiến cho thị trường này đang dần trở lên mất kiểm soát. Cần phải có biện pháp siết chặt lại thị trường này nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động có nhu cầu đi xuất khẩu lao động.
Song hành với việc tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội đi xuất khẩu tại nước ngoài, cơ quan chức năng cần có biện pháp giảm tải lực lượng “cò” lao động đang xuất hiện tràn lan trên thị trường.
Cùng với các chính sách mới kích thích tạo việc làm trong nước thì xuất khẩu lao động cũng là một chính sách được quan tâm tạo việc làm ngoài nước, tạo cơ hội thoát nghèo và làm giàu cho lao động ở nhiều địa phương trong cả nước. Tuy nhiên hoạt động này luôn có sự chênh lệch, điểm nóng luôn dồn vào một số thị trường có thu nhập cao như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc; thị trường có thu nhập vừa phải, nhưng có nhu cầu lớn, chi phí thấp như một số nước Trung Đông-Bắc Phi như UAE, Qatar…, đặc biệt là Malaysia luôn ở trong tình trạng khó tuyển nguồn.

Cũng chính điều này, ở những thị trường nóng đã tạo ra một lực lượng “cò” lao động hùng hậu, chỉ với một thủ đoạn duy nhất là hứa hẹn giúp lao động đi được nhanh. Đôi khi lực lượng này lại làm mạnh hơn cả hệ thống 170 DN có giấy phép hoạt động XKLĐ.

Anh Nguyễn Tiến Dũng, Phòng tuyển dụng của một DN XKLĐ cho biết, có nhiều lao động đăng ký đi Nhật Bản, khi đến được công ty đã qua tay 4, 5 lượt “cò”, với số tiền lót tay lên đến trên 1.000USD. Đây không phải là trường hợp cá biệt mà là thực trạng khá phổ biến khi mà nhu cầu của người dân lớn nhưng mạng lưới của DN không thể phủ sóng hết. Các DN XKLĐ cũng phải sử dụng lực lượng cộng tác viên tạo nguồn nhưng rất khó để kiểm soát họ có chiếm dụng tiền của người lao động hay không. Thậm chí có nhiều nhân viên tuyển của công ty XKLĐ cũng lợi dụng tâm lý muốn đi nhanh của lao động để gạ gẫm lao động nộp thêm phí, tuy nhiên khoản phí này không được đưa vào bất cứ hóa đơn, chứng từ nào.

Thế mới có chuyện khi thị trường Đài Loan tăng nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam, trong năm 2013, số lượng lao động đi Đài Loan lên đến trên 40 nghìn người, bằng một nửa tổng lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cả năm ở tất cả các thị trường, thì tình trạng loạn phí diễn ra hết sức nghiêm trọng. Nơi thu phí 5.500 USD, nơi thu đến 8.000 USD. Chính vì thế mà ở thị trường hết sức “nóng” này, Bộ LĐ-TB&XH đã phải 2 lần ra quyết định hạ phí. Lần đầu tiên hạ xuống mức 4.500 USD đối với lao động làm việc trong các ngành công nghiệp tại Đài Loan; 3.800 USD đối với lao động làm việc trong bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già. Mới đây nhất từ 1/2/2014, tiếp tục hạ phí mỗi loại hình giảm 500 USD, tương đương 4.000 USD và 3.300 USD/hợp đồng 3 năm.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Đài Loan cho biết, việc đưa mức phí về đúng quy định được làm riết róng. Để các DN đi vào trật tư đúng quy định thì phải đi kèm kiểm tra xử phạt, đi kèm quyết định giải quyết cho người lao độång khi thu phí cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra ngay tại Đài Loan. Bộ Lao động Đài Loan rất muốn phối hợp với ta, điều tra lao động tại sân bay, xem việc thu phí của lao động có đúng mức phí mà Việt Nam đưa ra hay không. Quy định về giảm phí này chúng ta cần có thời gian mới thấy được hiệu quả, cần phải được kiểm tra, xử phạt thường xuyên.

Khác hẳn với thị trường Đài Loan, Malaysia sau một thời gian bị ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, cho đến thời điểm này cho dù mức lương và điều kiện làm việc đã được Chính phủ Malaysia nâng lên nhưng người lao động vẫn không mặn mà.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Kim Phương, Tham tán, Trưởng ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia cho biết: “Chúng tôi vẫn nói Malaysia không phải là thị trường thu nhập cao để cạnh tranh với các nước khác, nhưng đây cũng là thị trường dự định đưa mỗi năm 10.000 người, chủ yếu là các đồng bào vùng sâu vùng xa đi làm việc để xóa đói giảm nghèo”. Rõ ràng đây là thị trường khá dễ tính, đòi hỏi trình độ lao động không cao, phù hợp với năng lực có hạn của lao động chưa qua đào tạo ở nhiều huyện nghèo của Việt Nam. Cũng như các nước khác đang cung ứng mạnh lao động vào Malaysia như Indonesia, Bangladesh, họ làm ở tất cả các lĩnh vực, và có một đặc điểm nổi bật là chịu khó.

“Với mức thu nhập tối thiểu từ 900 – 1.200 ringit (6, đến 8 triệu đồng), được miễn phí chỗ ở, là khoản thu nhập không phải là thấp. Malaysia rất chuộng lao động nữ Việt Nam làm trong các nhà máy điện tử do chị em của ta khéo tay. Malaysia đang phải tích cực quản lý, đối xử với người lao động tốt hơn. Các doanh nghiệp trong nước cũng phải có cách thức thu hút người lao động. Làm thế nào để đẩy mạnh công tác giáo dục trước khi đi, tuyên truyền vận động để người lao động chấp hành kỷ luật tốt hơn để mở rộng thị trường”, ông Phương chia sẻ.

Theo đánh giá của Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia, khả năng để tăng đột biến số lượng lao động sang thị trường này trong năm 2014 có lẽ không nhiều, nhưng có thể thay đổi về mặt cơ cấu, số lượng lao động xây dựng có thể tăng lên. Chủ trương không đưa theo số lượng, đưa được người bảo chắc chắn và đảm bảo người đấy, có lẽ là hướng đi tốt nhất để giữ vững được thị trường XKLĐ này.

Ở thị trường Nhật Bản, đang có diễn biến tốt, cùng với việc tăng nhu cầu tiếp nhận lao động nông nghiệp Việt Nam; thị trường Hàn Quốc đang trong giai đoạn thử thách 1 năm để mở lại tiếp nhận lao động theo chương trình EPS… các chính sách được đưa ra với đặc thù của từng thị trường, đặc biệt là giảm phí, giảm tỷ lệ trốn và quản lý chặt chẽ việc thực hiện của DN dịch vụ, tăng chất lượng đào tạo ngoại ngữ, nâng cao chất lượng lao động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho lao động Việt Nam vươn ra các nước làm việc, cải thiện thu nhập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét